Có hai loại mô hình giá cơ bản – đảo chiều và tiếp diễn. Như chính tên gọi của chúng(mô hình đảo chiều và mô hình tiếp diễn), mô hình đảo chiều đề cập đến một sự đảo chiều xu hướng quan trọng. Ngược lại, mô hình tiếp diễn ám chỉ sự tạm ngừng nghỉ của thị trường trong chốc lát, có thể là để hiệu chỉnh tình trạng mua quá mức hoặc bán quá mức trong ngắn hạn trước khi phục hồi xu hướng hiện tại. Vấn đề quan trọng là phải phân biệt được hai dạng mô hình này càng sớm càng tốt trong thời gian mô hình đang được hình thành.
Trong chương này, chúng ta sẽ khảo sát năm mô hình đảo chiều chính là: đầu và vai, ba đỉnh và ba đáy, hai đỉnh và hai đáy, đỉnh và đáy hình chữ V và mô hình tròn (hình dĩa). Chúng ta sẽ khảo sát cách chúng hình thành trên đồ thị và cách xác định chúng. Sau đó, chúng ta sẽ xem xét những điểm quan trọng khác – mô hình khối lượng giao dịch và chức năng đo lường đi kèm.
Khối lượng giao dịch đóng vai trò quan trọng trong mọi mô hình giá. Khi ta còn ngờ vực về mô hình giá thì việc tìm hiểu về mô hình khối lượng giao dịch cùng với dữ liệu giá sẽ giúp ta xác định mô hình nào là đáng tin cậy.
Hầu hết các mô hình giá đều có những kỹ thuật đo lường nhất định giúp chuyên gia phân tích kỹ thuật xác định mục tiêu giá tối thiểu. Mặc dù chỉ là con số ước chừng biên độ của biến động diễn ra sau đó, song những mục tiêu này cũng hỗ trợ nhà giao dịch xác định được tỷ lệ lợi nhuận/rủi ro của họ.
Trong Chương năm, chúng ta sẽ tìm hiểu loại mô hình thứ hai – các dạng mô hình tiếp diễn. Trong phần đó, chúng ta sẽ khảo sát mô hình dạng tam giác, cờ hiệu, cờ đuôi nheo, hình nêm và hình chữ nhật. Những mô hình này thường thể hiện sự tạm ngừng xu hướng hơn là đảo chiều, và chúng thường được chia thành xu hướng trung gian và dịch chuyển nhỏ chứ không phải là xu hướng chính