Trước khi thảo luận về từng mô hình đảo chiều chính, ta hãy xem qua những đặc điểm cơ bản rất phổ biến trong tất cả các mô hình đảo chiều.
1. Nhất thiết phải có một xu hướng trước đó để có thể hình thành mô hình đảo chiều
2. Tín hiệu đầu tiên của một sự đảo chiều thường là sự phá vỡ đường xu hướng chính.
3. Mô hình càng lớn thì biến động theo sau càng lớn.
4. Các mô hình đỉnh có thời gian ngắn hơn nhưng bị phá vỡ nhiều hơn so với các mô hình đáy.
5. Các mô hình đáy thường có biên độ giá nhỏ hơn và mất nhiều thời gian hình thành hơn.
6. Khối lượng giao dịch trong xu hướng giá lên thường đóng vai trò quan trọng hơn.
Sự cần thiết một xu hướng trước đó. Sự tồn tại xu hướng trước đó là điều kiện tiên quyết để hình thành bất kỳ một mô hình đảo chiều nào. Thị trường phải có điều gì đó để đảo nghịch. Đôi khi, việc hình thành mô hình xuất hiện trên đồ thị, giống với một trong các mô hình đảo chiều. Tuy nhiên, nếu trước đó không có một xu hướng rõ ràng thì mô hình đó không đáng tin cậy vì không có gì để đảo chiều. Việc nắm bắt được thời điểm mô hình xuất hiện là yếu tố quyết định trong việc nhận định mô hình.
Kết quả tất yếu đối với sự cần thiết có một xu hướng trước đó để đảo chiều chính là vấn đề mang hàm ý đo lường. Như đã đề cập trước đó, đa số các kỹ thuật đo lường đều chỉ cho ta mục tiêu giá tối thiểu. Còn mục tiêu giá tối đa là tổng biên độ biến động giá trước đó. Nếu thị trường giá lên chính yếu diễn ra và xuất hiện một mô hình đỉnh cơ bản thì hàm ý về sự biến động tiềm năng tối đa trong xu hướng giá giảm có thể là sự thoái lùi 100% thị trường giá lên, hay chính là điểm khởi đầu của tất cả.
Sự phá vỡ đường xu hướng chính. Tín hiệu đầu tiên của sự đảo chiều xu hướng là việc phá vỡ đường xu hướng chính. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự phá vỡ đường xu hướng chính không hẳn là tín hiệu nhất thiết cho thấy sự đảo chiều mà nó chỉ báo hiệu sự thay đổi xu hướng. Việc phá vỡ một đường xu hướng chính đi lên có thể báo hiệu sự khởi đầu của một mô hình giá đi ngang – mô hình mà sau đó có thể được xác định là mô hình đảo chiều hay củng cố. Đôi khi, sự phá vỡ đường xu hướng chính xảy ra khi mô hình giá hình thành hoàn chỉnh.
Mô hình càng lớn thì tiềm năng cao. Khi sử dụng cấp độ so sánh “lớn hơn”, chúng ta đang nói đến chiều rộng và chiều cao của mô hình giá. Chiều cao xác định tính dao động của mô hình và chiều rộng là khoảng thời gian cần thiết để thiết lập và hoàn thành mô hình. Kích thước mô hình càng lớn – tức là giá di chuyển rộng hơn (tính dao động) và thời gian hình thành lâu hơn – thì mô hình càng có ý nghĩa và tiềm năng biến động giá xảy ra sau đó sẽ lớn hơn.
Gần như là tất cả kỹ thuật đo lường trong hai chương này đều dựa vào chiều cao của mô hình. Đây là phương pháp đầu tiên được áp dụng cho đồ thị thanh với việc sử dụng tiêu chí đo lường theo chiều dọc. Thực tiễn đo lường bề ngang của mô hình giá được áp dụng cho đồ thị hình và điểm. Phương pháp đồ thị đó sử dụng công cụ đếm – công cụ thừa nhận mối quan hệ giữa chiều rộng của đỉnh hoặc đáy và mục tiêu giá đi sau.
Sự khác biệt giữa đỉnh và đáy. Mô hình đỉnh thường diễn ra ngắn hơn và bị phá vỡ nhiều hơn so với mô hình đáy. Giá giao động giữa các đỉnh lớn hơn và mạnh mẽ hơn. Đỉnh mất ít thời gian hơn để hình thành. Đáy thường có biên độ giá nhỏ hơn những thời gian hình thành dài hơn. Chính vì thế, việc nhận diện và giao dịch theo các đáy sẽ dễ dàng và ít tốn kém hơn so với việc đuổi theo đỉnh. Một điểm thú vị của mô hình đỉnh là giá có khuynh hướng giảm nhanh hơn so với khi tăng. Do đó, nhà giao dịch thường thu được lợi nhuận cao hơn khi tham gia vị thế bán trong thị trường giá xuống thay vì giao dịch ở vị thế mua trong thị trường giá lên. Mọi thứ trong đời là sự đánh đổi giữa phần thưởng và rủi ro. Rủi ro càng cao thì phần thưởng bù đắp càng lớn và ngược lại. Mô hình đỉnh khó nắm bắt hơn nhưng lại rất có giá trị để theo đuổi.
Khối lượng giao dịch trong xu hướng tăng quan trọng hơn. Khối lượng giao dịch tăng theo hướng phát triển của xu hướng thị trường và là yếu tố quyết định sự hoàn thành các mô hình giá. Mỗi mô hình giá khi hoàn thiện đều đi cùng sự gia tăng đáng kể khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu của sự đảo chiều xu hướng, khối lượng giao dịch tại các đỉnh của thị trường không quan trọng. Thị trường có cách “điều chỉnh” một khi sự biến động giá xuống thực sự bắt đầu. Người sử dụng đồ thị thích chứng kiến hoạt động giao dịch sôi nổi khi giá giảm, nhưng điều đó không quan trọng. Tuy nhiên, khi thị trường chạm đáy thì khối lượng giao dịch đương nhiên đóng vai trò rất quan trọng. Nếu mô hình khối lượng giao dịch không thể hiện được mức tăng đáng kể trong thời gian giá tăng bứt phá thì phải xem xét lại. Chúng ta sẽ khảo sát sâu hơn về khối lượng giao dịch trong Chương 7.