Hãy tìm hiểu mô hình có lẽ được coi là phổ biến và đáng tin cậy nhất trong các mô hình đảo chiều hiện nay – mô hình đảo chiều đầu và vai (the Head and Shouder Reversal). Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian cho mô hình này vì tầm quan trọng của nó đồng thời để giải thích tất cả các sắc thái có liên quan. Phần lớn các mô hình đảo chiều khác đều là biến thể của mô hình đầu và vai, vì thế, chúng ta không cần nghiên cứu thêm.
Cũng như tất cả các mô hình khác, mô hình đảo chiều được đúc rút từ khái niệm xu hướng trong Chương 4. Hãy hình dung một tình huống trong xu hướng tăng chính, nơi hàng loạt đỉnh và đáy tăng dần đang bắt đầu đánh mất xung lượng. Sau đó, xu hướng tăng này chững lại một lúc. Trong suốt thời gian này, áp lực cung cầu ở trạng thái tương đối cân bằng. Khi giai đoạn phân phối kết thúc, ngưỡng hỗ trợ tại đáy bị phá vỡ và một xu hướng đi xuống mới được hình thành. Xu hướng đi xuống này bao gồm các đỉnh và đáy đi xuống
Hình 5.1a ví dụ đỉnh đầu và vai. Vai trái và phải (A và E có cùng chiều cao. Đầu C cao hơn hai vai kia. Khối lượng giao dịch tại mỗi đỉnh giảm dần. Mô hình hoàn chỉnh khi giá đóng cửa bên dưới đường viền cổ (đường 2). Mục tiêu giá tối thiểu được tính từ điểm phá vỡ đường viền cổ hướng xuống một khoảng cách thẳng đứng bằng khoảng cách từ đầu đến đường cổ. Sự dịch chuyển ngược lại thường diễn ra trở lại với đường viền cổ và sẽ không cắt đường viền cổ một khi nó đã bị phá vỡ.
dinh dau va vai. ba diem cao nhat trong hinh cho thay dau cao hon hai vai, Mô hình đảo chiều đầu và vai?
Hình 5.1b Đỉnh đầu và vai. Ba điểm cao nhất trong hình cho thấy đầu cao hơn hai vai. Ta có thể dự đoán sự dịch chuyển sẽ quay lại đường viền cổ sau đó.
Hãy xem xét tình huống này sẽ có đỉnh đầu và vai như thế nào (trong hình 5.1a và b). Tại điểm A, xu hướng tăng đang vận hành như mong đợi mà không thấy tín hiệu hình thành đỉnh. Khối lượng giao dịch cũng trải ra trên sự biến động giá thành một ngưỡng mới – điều được coi là bình thường. Sự giảm giá hiệu chỉnh tại điểm B có khối lượng giao dịch ít hơn cũng là điều được mong đợi. Tuy nhiên, tại điểm c, những người sử dụng đồ thị nhanh nhẹn có thể nhận thấy rằng khối lượng giao dịch theo xu hướng tăng bứt phá khỏi điểm A lại thấp hơn so với đạt hồi phục trước. Bản thân sự thay đổi này không quan trọng nhưng lại phát ra một tín hiệu cảnh báo trong đầu nhà phân tích.
Giá lại giảm xuống điểm D và một số xáo trộn xuất hiện. Sự suy giảm diễn ra bên dưới đỉnh trước đó tại A. Hãy nhớ rằng khi đỉnh trong xu hướng tăng bị phá vỡ sẽ trở thành điểm hỗ trợ của đợt hiệu chỉnh diễn ra sau đó. Sự suy giảm dưới điểm A, gần như là bằng B, là tín hiệu cảnh báo có điều gì đó không ổn đang diễn ra đối với một xu hướng tăng.
Thị trường sau đó hồi phục lên điểm E với khối lượng giao dịch ít hơn và không thể bằng đỉnh cao nhất tại C. (Có khả năng đợt hồi phục tại E sẽ là thoái lùi một nửa hoặc hai phần ba của đợt suy giảm từ c đến D.) Để xu hướng tăng tiếp diễn, mỗi điểm cao nhất phải cao hơn điểm cao nhất của đạt hồi phục trước đó, Khi đạt hồi phục tại điểm E không thể chạm đỉnh trước đó là C thì nó đã có được một nửa điều kiện để thành lập xu hướng giảm mới – những đỉnh giảm dần.
Lúc này, đường xu hướng tăng chính (đường 1) đã bị phá vỡ tại điểm D làm phát sinh một tín hiệu xấu. Bất chấp những tín hiệu cảnh báo này chúng ta chỉ cần biết rằng xu hướng đang chuyển từ tăng sang nằm ngang. Điều này cũng đủ khiến ta thanh khoản những vị thế mua nhưng không đủ để chứng minh cho những đợt bán khống mới.