Năm 1882, Charles Dow đã cùng Edward Jones – một cộng sự của mình – thành lập Dow Jones & Company. Hầu hết các nhà phân tích kỹ thuật và chuyên viên nghiên cứu thị trường đều công nhận rằng phần lớn những gì được gọi là phân tích kỹ thuật ngày nay đều bắt nguồn từ những lý thuyết của Dow vào giai đoạn chuyển đổi giữa hai thế kỷ, Dow đã từng cho công bố các ý kiến của mình trong loạt bài viết trên tờ The Wall Street Journal. Phần lớn các nhà phân tích kỹ thuật hiện nay đều công nhận và sử dụng những quan điểm cơ bản của Dow cho dù có thừa nhận nguồn của nó hay không. Mặc dù vậy nhưng lý thuyết Dow vẫn tạo ra nền móng cho việc nghiên cứu về phân tích kỹ thuật, bất chấp những tiến bộ của công nghệ máy tính phức tạp cũng như sự phát triển của rất nhiều chỉ báo kỹ thuật mới.
Vào ngày 3 tháng 7 năm 1884, Dow cho công bố chỉ số trung bình chứng khoán đầu tiên bao gồm giá đóng cửa của 11 loại cổ phiếu: 9 công ty đường sắt và 2 công ty sản xuất. Dow cho rằng 11 loại cổ phiếu này là sự thể hiện tình hình nền kinh tế quốc gia. Năm 1897, Dow đã xác định rằng hai chỉ số sẽ thể hiện được tình trạng nền kinh tế và tạo ra chỉ số chứng khoán của 12 công ty công nghiệp cùng chỉ số chứng khoán của 20 công ty đường sắt. Năm 1928, chỉ số công nghiệp đã phát triển thành 30 loại cổ phiếu chứng khoán và đây cũng chính là con số hiện nay. Trong những năm tiếp theo, các biên tập viên của tờ The Wall Street Journal đã nhiều lần cập nhật lại danh sách này và vào năm 1929 bổ sung thêm chỉ số của các công ty trong ngành phục vụ công. Năm 1984, nhân dịp lễ kỷ niệm 100 năm lần đầu tiên Dow công bố chỉ số chứng khoán, Hiệp hội các nhà phân tích kỹ thuật thị trường (Market Technicians Association – MTA) đã trao giải bạc Gorham cho công ty Dow Jones & Co. Theo MTA – một giải thưởng “công nhận sự đóng góp tột bậc của Charles Dow cho lĩnh vực phân tích đầu tư”. Chỉ số Dow – nguyên mẫu đầu tiên của những gì được xem là công cụ hàng đầu trong việc đánh giá hoạt động của thị trường chứng khoán – vẫn luôn là công cụ thiết yếu đối với các nhà phân tích kỹ thuật thị trường suốt 80 năm sau ngày mất của ông.
Điều đáng tiếc đối với chúng ta là Dow chưa bao giờ viết một cuốn sách về lý thuyết của mình. Thay vào đó, ông đã có một loạt bài viết về hành vi thị trường chứng khoán được đăng tên tờ trên tờ The Wall Street Journal trong giai đoạn những năm chuyển giao thế kỷ. Năm 1903 một năm sau ngày mất của Dow, S.A. Nelson đã biên soạn những bài viết đó thành một cuốn sách có tựa là Nhập môn đầu cơ chứng khoán (The ABC of Stock Speculation). Trong cuốn sách này, lần đầu tiên thuật ngữ lý thuyết Dow đã được tạo ra. Richard Russell, người viết lời giới thiệu cho ấn bản năm 1978, đã so sánh sự đóng góp của Dow cho thị trường chứng khoán với công lao của Freud trong lĩnh vực tâm thần học, Năm 1922, trong cuốn “Công cụ đánh giá thị trường chứng khoán” (The Stock Market Barometer), William Peter Hamilton (cộng sự đồng thời là người nối nghiệp Dow trên tờ The Wall Street Journal) đã phân loại và công bố các nguyên tắc của lý thuyết Dow. Robert Rhea đã phát triển lý thuyết này một cách sâu rộng hơn với cuốn “Lý thuyết Dow” (Dow Theory) (New York: Barron’s), được xuất bản vào năm 1932.
Dow đã ứng dụng lý thuyết của mình vào các chỉ số trung bình của thị trường chứng khoán mà ông đã tạo ra với tên gọi chỉ số Công nghiệp và chỉ số Đường sắt. Tuy nhiên, hầu hết các lý thuyết phân tích của ông đều có thể được áp dụng cho các loại chỉ số trung bình của tất cả thị trường. Chương này sẽ đi vào mô tả 6 nguyên tắc cơ bản của lý thuyết Dow và thảo luận về cách thức mà theo đó, chúng trở nên thích hợp với phân tích kỹ thuật hiện đại. Các chương tiếp theo sẽ thảo luận về những phân nhánh của quan điểm này.