Hồi còn nhỏ, tôi rất hay làm mất đồ dùng của mình mỗi khi đi chơi hoặc đi học, những vật dụng trẻ con và cũng ít quan trọng. Có thể là chiếc bút máy, là cục tẩy chì hay đôi dép… và có khi là đồ của bạn bè mình.
Mất đi và lấy lại được
Tôi nhớ những lần trót làm mất cái gì lại chạy về nói ngay với mẹ. Mẹ chẳng bao giờ mắng tôi mà chỉ căn dặn lại về sự cẩn thận, ngăn nắp. Hôm sau, tôi lại được mua món đồ mới thay thế, lại vui, lại tung tăng đi chơi và (lại) có thể sẽ đánh mất đồ, lại cẩu thả thêm một hay nhiều lần nữa.
Trong tôi ngày đó hình thành nên cái suy nghĩ về những điều “Mất đi và lấy lại đuợc” vì rõ ràng, tôi chưa bao giờ có cảm giác “mất hoàn toàn” cả, tôi đã có mẹ, người lấy lại tất cả.
Mẹ như bà tiên trong giấc mơ, là người biến phép màu xung quanh những tháng năm lớn lên của tôi. Chợt nhận ra, tuổi thơ của mỗi con người như những hạt màu óng ánh nằm trong chiếc đồng hồ cát, dù có dốc ngược dốc xuôi tới mấy thì chúng vẫn ở yên trong khối thủy tinh, để được bảo vệ và nâng niu – Tuổi thơ hay còn là quãng thời gian của những điều không mất đi…
Mất đi và không lấy lại được
Thành “người lớn”, “phép màu”, “cổ tích” cũng dần lùi vào góc kỉ niệm. Mới đầu là sự ngỡ ngàng – sững sờ, nhưng rồi tôi cũng phải quen và học cách chấp nhận thực tế: có những cái Mất đi và không lấy lại được, những điều quí giá rời xa, khiến trái tim bạn mệt mỏi…
Đó là lần đầu tiên tôi “cảm nhận” được nỗi đau mất người thân, khi bà ngoại qua đời. Buổi chiều Chủ nhật năm 2002, khi đang ngồi cũng chúng bạn thì tôi nhận được điện thoại của anh: “Bà ngoại đi cấp cứu…, em lên Bệnh viện 354 ngay nhé!”. Ngay lập tức tôi phóng xe và vẫn hy vọng sẽ có điều kì diệu xảy ra. Nhưng số phận thật trớ trêu, trên đường đi, anh tôi đã báo tin xấu nhất có thể… Vậy là tôi không được gặp Ngoại lần cuối…!?
Nhưng có lẽ số phận cũng không quay lưng lại với tôi quá phũ phàng. Mới ngày hôm qua thôi, run rủi thế nào tôi qua thăm Ngoại… Lúc về, Ngoại mới nói dạo này thỉnh thoảng thấy nhói tim nhưng khi đó thấy da dẻ Ngoại vẫn hồng hào, giọng nói vẫn khỏa khoắn, ăn uống vẫn đầy đủ nên tôi chỉ chúc Ngoại khỏe mạnh mà thôi… Tôi còn nhớ ánh mắt dịu dàng, dáng đi thanh cao và giọng nói ấm áp của Ngoại trong lần cuối cùng đó… Ai ngờ, Ngoại đã mất vì chính điều Ngoại đang lo ngại khi đó… Ngày viếng Ngoại, hàng nghìn người đã tới như đủ để chứng minh cả cuộc đời của Ngoại đã hết lòng vì con cháu và cộng đồng…
Mỗi khi nghĩ về Ngoại, chút nuối tiếc lại khẽ lay động như một vết thương còn chưa lành hẳn. Thế mới hay, những người thân thật quan trọng với mỗi người. Bởi vậy, dù có bận rộn thế nào, cũng cần dành thời gian để ở bên họ, để chia sẻ và được chia sẻ. Từng giây phút trôi qua của cuộc sống quý giá hơn gấp vạn lần, khi bạn biết được rằng, có nhiều lắm, những điều “Mất đi và không lấy lại được”.
Mất đi và không muốn lấy lại
Mọi thứ trong cuộc sống của bạn đều thật đáng trân trọng. Nhưng có nhất thiết phải cố gắng giữ lại tất cả ở bên mình? Câu trả lời là: Không, không thể và không nên.
“Không thể” là bởi bạn chẳng bao giờ lường trước được điều gì sắp xảy đến với mình: niềm vui hay nỗi buồn? Thành công hay thất bại? Tôi từng rất hụt hẫng khi nhận ra, có người mình rất tin tưởng, yêu mến và trân trọng, đã quay lưng đi trong những lúc bạn tôi cần nhất. Lúc ấy, tôi buồn và chới với biết mấy. Rối bời tới mức còn hy vọng, họ sẽ quay lại. Nhưng rồi chẳng có bàn tay nào ở đó, tôi ngã. Ngã đau…
Một thời gian dài trôi qua, tôi vùi đầu vào việc khác để lãng quên. Vết thương lành hẳn, tôi tự đứng dậy, tự bước tiếp, vững vàng và cẩn trọng hơn. Chính sự vô tình của người khác, chính các cú ngã đau đã nói lên rằng, có những điều mất đi mà bạn chẳng bao giờ muốn lấy lại. Chúng làm bạn đau, tổn thương ít hay nhiều nhưng không mảy may để lại chút tì vết nào. Chỉ là sau mỗi lần ngã đau, bạn lại trưởng thành hơn một chút mà thôi…
Có nên chăng, “đánh mất” những thứ không thuộc về mình?
Có một số người bạn của tôi viết nhật ký, blog khá nhiều về “Những điều mất đi”. Đó là một việc làm thú vị mà ai cũng có thể làm. Chúng ta viết ra không cần với một cảm xúc đặc biệt hay triết lý cao siêu gì. Đơn giản, nó như một cái timeline đặc biệt của người trẻ tuổi. Vì càng lúc, chúng ta sẽ càng ít hơn những điều mất đi, càng ít những tiếc nuối…