Tam giác chỉ xuất hiện tại sóng thứ tư và ngay trước vận động cuối cùng theo chiều hướng của xu hướng chính. (Chúng cũng xuất hiện tại sóng b trong mô hình hiệu chỉnh a-b-c.) Vì nguyên nhân đó, trong một xu hướng tăng, chúng ta có thể nói rằng tam giác là biểu hiện của cả thị trường đầu cơ giá lên lẫn thị trường đầu cơ giá xuống. Chúng được hiểu là tăng giá khi biểu thị sự hồi phục của xu hướng tăng. Ngược lại, ta hiểu rằng giảm giá nếu chúng thể hiện khả năng đạt đỉnh sau một sóng tăng.
Cách diễn giải của Elliott về tam giác tương tự như cách giải thích truyền thống trước đó, nhưng có độ chính xác cao hơn. Tam giác thường là một mô hình tiếp diễn và tam giác của Elliott là một mô hình củng cố không rõ xu hướng, có 5 sóng trong đó mỗi sóng gồm 3 sóng nhỏ. Elliott chia thành 4 loại tam giác khác nhau – tăng, giảm, đối xứng và mở rộng. Hình minh họa trên thể hiện 4 dạng biến thể trong cả xu hướng tăng và giảm.
Vì đôi khi các mô hình đồ thị trong những hợp đồng hàng hóa tương lai không hình thành hoàn chỉnh như thị trường chứng khoán, nên không có gì bất thường khi mà tam giác trong thị trường tương lai lại chỉ có 3 sóng thay vì 5. (Tuy nhiên, cần lưu ý rằng một tam giác đòi hỏi phải có có 4 điểm – 2 phía lên và 2 phía dưới để có thể vẽ được hai đường xu hướng hội tụ.) Lý thuyết sóng Elliott cũng cho rằng sóng thứ năm và sóng cuối cùng trong tam giác đôi khi lại phá vỡ đường xu hướng của chính nó, tạo ra một tín hiệu ngụy tạo trước khi thực sự bắt đầu một cú phá vỡ theo hướng ban đầu.
Cách đo lường sóng thứ năm và sóng cuối cùng của Elliott sau khi một tam giác hình thành về cơ bản là giống với cách sử dụng đồ thị kinh điển, đó là dự đoán thị trường sẽ biến động một khoảng tương ứng với phần rộng nhất của tam giác (chiều cao). Ngoài ra cũng cần phải lưu ý thời gian hình thành nên đỉnh hoặc đáy cuối cùng. Theo Prechter thì đỉnh của tam giác (nơi hai đường xu hướng gặp nhau) thường đánh dấu thời điểm hình thành sóng thứ năm cuối cùng.
Tham khảo: