Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng trên mạng kết nối toàn cầu như sự ra đời của trào lưu chia sẻ video, rao vặt trực tuyến thịnh hành…
Danh sách 10 sự kiện quan trọng trên mạng do ban tổ chức giải thưởng Webby Awards (thuộc Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật số quốc tế) giới thiệu có một số nội dung phù hợp với Mỹ hơn là mang tính toàn cầu, nhưng cũng phần nào cho thấy được những chuyển biến của Internet 10 năm qua.
“Bảng xếp hàng còn tùy thuộc bạn là ai và bạn quan tâm đến vấn đề gì”, David-Michel Davies, Giám đốc điều hành Webby Awards, giải thích. “Internet cũng như cuộc sống. Không dễ chọn được dấu mốc có ảnh hưởng nhất thế giới theo ý của tất cả”.
10 sự kiện đáng nhớ của thập kỷ
Trang rao vặt Craigslist (2000): Những mẩu tin mua, bán, cho thuê… trên site này đã vươn từ San Francisco (Mỹ) đến hơn 500 thành phố ở 50 quốc gia, đánh dấu sự chuyển đổi từ hình thức rao vặt trên báo giấy, tờ rơi ngoài đường… sang mô hình trực tuyến nhanh và hiệu quả hơn.
Google AdWords (2000): Việc Google ra mắt hệ thống quảng cáo trả tiền theo số lần click chuột (người đăng quảng cáo không phải trao một khoản tiền lớn cho chủ sở hữu website mà thanh toán dựa trên số lượt bấm vào đường link) đã giúp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp hướng đến người dùng cụ thể hơn, đồng thời tạo nên bước ngoặt mới cho thị trường quảng cáo trực tuyến.
Wikipedia (2001): Website từ điển bách khoa mở và miễn phí hiện chưa hơn 14 triệu bài viết với 271 thứ tiếng. Wikipedia là một trong những ví dụ đầu tiên cho thấy những con người hoàn toàn xa lạ trên thế giới vẫn có thể hợp tác cùng nhau trong một dự án.
Napster bị đóng cửa (2001): Việc đưa Napster vào danh sách gây nhiều tranh cãi, nhưng Webby cho rằng chính sự ra đi của dịch vụ chia sẻ nhạc do vi phạm bản quyền này đã mở ra thị trường mới cho Hulu, iTunes và các site tải nhạc hợp pháp khác trên toàn thế giới. Nhiều nghệ sĩ cũng bắt đầu phát hành nhạc để bán trên mạng.
Google IPO (2004): Cách đây 5 năm, Google lần đầu phát hành cổ phiếu – một trong những bước đi quan trọng để hãng tìm kiếm Mỹ trở thành “công ty có tầm ảnh hưởng nhất trên Internet trong thập kỷ”, tiếp theo đó là sự ra đời của một loạt dịch vụ Gmail, YouTube, Google Earth, Google Maps, Android và mới nhất là Chrome OS.
Trào lưu chia sẻ video (2006): Băng thông rộng, camera giá rẻ và YouTube hỗ trợ Adobe Flash 9 là những yếu tố giúp video trực tuyến bùng nổ, hình thành nên cả một nền văn hóa với những ngôi sao giữa đời thường như lonelygirl15, nữ sinh gốc Việt Natalie Tran và kho video có hàng chục triệu lượt xem, nổi tiếng nhờ hát nhép, giọng ca nước Anh Susan Boyle…
Facebook mở cửa, Twitter ra đời (2006): Tháng 9/2006, Facebook mở rộng từ mạng kết nối của sinh viên thành mạng xã hội dành cho bất cứ ai trên 13 tuổi. Như câu chuyển cổ tích trong một đêm, Facebook lập tức phổ biến toàn cầu và hiện có hơn 300 triệu thành viên. Chưa đầy 1 tháng sau, Twitter cũng xuất hiện và mở ra trào lưu mới: tiểu blog với các thông điệp không quá 140 ký tự.
iPhone trình làng (2007): iPhone là một sản phẩm điện tử tiêu dùng, nhưng thành công của nó một phần nhờ tác động dây chuyền mà Internet mang lại. Chỉ sau 2 ngày phát hành, hơn nửa triệu iPhone đã được tiêu thụ và không ít hãng sản xuất thiết bị di động uy tín cũng phải bắt chước kiểu dáng và tính năng trên điện thoại Apple.
Tranh cử tổng thống Mỹ (2008): Theo Webby, Internet thay đổi cục diện cuộc vận động tranh cử tại Mỹ năm 2008 giống như TV cách đây 40 năm. Những cuộc tranh luận trên mạng xã hội, diễn đàn, đội ngũ tình nguyện online… đã tác động lớn đến việc đánh giá các ứng cử viên.
Biểu tình sau bầu cử ở Iran (2009): Hàng trăm nghìn người đã đổ ra đường phố phản đối kết quả bầu cử trong đó tổng thống Mahmoud Ahmadinejad được tuyên bố giành chiến thắng. Thông tin này không xuất hiện trên báo chí nhưng cả thế giới vẫn biết những gì đang diễn ra qua tiểu blog Twitter và giới chuyên môn nhận định Internet đang trở thành vũ khí mới trong chính trị.